Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Giải bài toán phát triển cho điện thoại cố định


 
Cách đây 5-7 năm, tốc độ phát triển thuê bao điện thoại cố định và di động ở Việt Nam đạt tỷ lệ 50-50. Nhưng giờ, điện thoại cố định đang phải đứng trước bài toán khó, phát triển làm sao đây khi lượng người dùng dịch vụ ngày một giảm sút mạnh?

Cứ mỗi năm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định của Việt Nam lại mất hàng trăm nghìn thuê bao. Không chỉ thuê bao ở các khu vực thành thị rời bỏ mạng mà cả người dân ở vùng nông thôn, thậm chí vùng sâu, vùng xa cũng bỏ mạng cố định chuyển sang dùng mạng điện thoại di động.

Nếu như vào năm 2005, tỷ lệ thuê bao điện thoại cố định và di động là 50 - 50, thì đến hết tháng 8/2011, số lượng thuê bao di động đạt hơn 113 triệu, trong khi thuê bao cố định chỉ còn 15,5 triệu.

Tính đến hết tháng 8/2011, số lượng thuê bao cố định phát triển mới trong cả nước chỉ bằng một phần tư so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp đang kinh doanh điện thoại cố định liên tục kêu lỗ, nhiều doanh nghiệp đã được cấp phép cung cấp dịch vụ cố định thì chỉ đăng ký để giữ chỗ, hoặc chỉ triển khai cung cấp ở phạm vị hẹp.

Câu hỏi được đặt ra, phải chăng điện thoại cố định đã hết thời? Đây không còn là mảnh đất kinh doanh màu mỡ nữa cho các nhà mạng?

Trước thực trạng này, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh mạng điện thoại cố định, từ 1/10/2011 tới, cước kết nối từ mạng cố định sang mạng di động được Bộ Thông tin và Truyền thông điều chỉnh tăng lên từ 270 đồng/phút lên 415 đồng/phút.

Liệu giải pháp có đủ mạnh để giải cứu mạng điện thoại cố định? Và liệu mạng điện thoại cố định có cần được giải cứu? Liệu phương án này có phải là một “cái phao” để giải cứu cho mạng điện thoại cố định đang bị sụt giảm nghiêm trọng hay không?

Những băn khoăn về tương lai của điện thoại cố định sẽ được chia sẻ trong chương trình Nhân vật Sự kiện Thông tin và truyền thông diễn ra vào 9 giờ sáng mai, 25/9 trên kênh Kênh VTC2 và VTC HD3  - Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC với 2 vị khách mời:

- TS Mai Liêm Trực: Nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính - Viễn thông.

- Ông Phan Hoàng Đức - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT - Một doanh nghiệp viễn thông hiện đang có trong tay 78,6% thị phần thuê bao điện thoại cố định tại Việt Nam.

Chương trình này cũng sẽ được tường thuật trực tuyến trên báo điện tử VnMedia. Mời độc giả đón xem.

Hiền Mai

Những siêu máy tính tiêu biểu hiện nay (Phần 2)

Tiếp theo phần đầu, chúng ta tìm hiểu về một vài siêu máy tính và công nghệ máy tính nổi bật.
Phần mềm chơi cờ vua giỏi nhất thế giới.
 
 
 
Deep Rybka 3
 
Năm ra đời: 2011
 
Thực ra gần như tất cả máy tính hiện nay đều có thể trở thành một thiết bị chơi cờ vua vô địch nhờ phần mềm này. Deep Rybka 3 được phát triển bởi kiện tướng cờ vua Vasik Rajlich, engine chơi cờ vua của nó được đánh giá cao nhất hiện nay. Chương trình này có chỉ số ELO (Chỉ số đánh giá khả năng chơi cờ vua) lên đến 3227, trong khi chỉ số cao nhất mà con người từng đạt được là 2814 ELO bởi đại kiện tướng Garry Kasparov.
 
Chiếc siêu máy tính dự báo thời tiết.
 
 
Stratus, máy tính backup của nó mang tên Cirrus.
 
Năm ra đời: 2009
 
Được sử dụng bởi Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc Gia để nâng cao khả năng dự đoán chính xác thời tiết và dự báo thảm họa như lốc xoáy, ô nhiễm không khí, cháy rừng, lũ lụt, sóng thần và bão tuyết.
 
Tốc độ của Stratus có thể đạt được 0,07 peta-flops (0,07 triệu tỉ phép tính trên giây).
 
Siêu máy tính chơi game Jeopardy giỏi nhất thế giới
 
 
Watson
 
Năm ra đời: 2010
 
Jeopardy là một game show đố vui nổi tiếng tại Mỹ cần phải tận dụng khả năng suy luận và kiến thức. Siêu máy tính Watson là nhà đương kim vô địch tại bộ môn này, đánh bại 2 người chơi nổi tiếng và chính thức đặt một dấu mốc quan trọng trong việc hình thành trí thông minh nhân tạo. Watson là bước đột phát của công nghệ chế tạo máy tính, bởi nó có khả năng kết hợp những manh mối phức tạp để tìm ra câu trả lời, nói cách khác đây là chiếc máy tính có khả năng suy luận giống với con người nhất.
 
Siêu máy tính có mạng lưới kết nối lớn nhất thế giới
 
 
Kraken
 
Năm ra đời: 2010
 
Kraken được đặt tại Viện Nghiên Cứu Khoa Học Máy Tính và Đại Học Tennessee Knoxville, cho phép các nhà khoa học tại khắp nơi trên thế giới cơ hội chia sẻ thông tin.
 
Cái tên Kraken được đặt theo một con quái vật biển trong thần thoại, siêu máy tính này là một phần của dự án TeraGrid XD cung cấp các thông tin, dịch vụ cho cộng đồng, trường học hay các siêu máy tính khác.
 
Siêu máy tính đóng phim
 
 
The Connection Machine 5
 
Năm ra đời: 1991
 
Chiếc siêu máy tính này xuất hiện trong một cảnh quay của bộ phim Công viên kỷ Jura. Chiếc CM-5 trong phim là một trong 2 chiếc được xây dựng bởi công ty Thinking Machine, nó đã được bán lại cho NSA, chiếc còn lại hiện được đặt tại Los Alamos. Đoàn làm phim đã sử dụng nhiều tấm gương để nhân CM-5 lên nhiều lần phục vụ cho việc quay phim.
 
Chiếc siêu máy tính này có thể đạt tốc độ 65,5 giga-flops (65,5 triệu phép tính trên giây).
 
Chiếc siêu máy tính nhanh và bí ẩn nhất thế giới.
 
 
Sequoia
 
Năm ra đời: 2012
 
Năm 2009, Trung tâm Năng Lượng Hạt Nhân Quốc Gia đã đặt mua một chiếc máy tính có tốc độ 20 peta-flops (20 triệu tỉ phép tính trên giây) để phục vụ cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Chiếc máy tính này có tên là Sequoia, nhưng vì sự nhạy cảm trong nhiệm vụ nên gần như không có một thông tin nào về Sequoia kể từ khi nó được đặt hàng, tức năm 2009.
 
Tuy nhiên với sự xuất hiện đúng lịch giao hàng của Mira, siêu máy tính của IBM có tốc độ 10 peta-flops thì có lẽ Sequoia cũng sắp sửa được hoàn thành.
 
Thành tựu đột phá trong việc sản xuất siêu máy tính.
 
 
CMOS Integrated Silicon Nanophotonics Computer Chip
 
Năm ra đời: 2010
 
Con chip này đã được nghiên cứu suốt 10 năm, nó có khả năng truyền tín hiện bằng ánh sáng chứ không phải tín hiệu điện như thông thường, bằng cách kết hợp công nghệ quang học và công nghệ chất bán dẫn. Nó sẽ được sử dụng trong những siêu máy tính thế hệ exa-scale, thế hệ tiếp theo của peta-scale ngày nay.
 
Công nghệ của con chip này không nhất thiết phải tuân theo định luật Moore: số lượng bóng bán dẫn và điện trở sẽ gấp đôi sau mỗi 18 đến 24 tháng.
 
Chip CMOS có thể gia tăng sức mạnh 20 lần sau mỗi 5 năm. Với khả năng này, nó có thể nhanh gấp 1000 lần so với chiếc siêu máy tính nhanh nhất hiện nay, tốc độ của nó sẽ lên đến 1 exa-flop (1 tỉ tỉ phép tính trên giây).
 
Thành tựu đột phá tiếp theo trong việc sản xuất siêu máy tính.
 
 
Quantum Computer
 
Năm ra đời: tháng 1 năm 2011, vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
 
Trên lý thuyết, những chiếc máy tính quantum có khả năng xử lý vô hạn trên nhiều “chiều” khác nhau. Hay nói cách khác, đây sẽ là chiếc máy tính với sức mạnh vô hạn.
 
Máy tính quantum đã đạt được một bước tiến gần tới thực tiễn trong tháng 1 khi các nhà vật lý tại Đại Học Oxford báo cáo thử nghiệm thành công con chip quantum. Thành công trong việc chế tạo máy tính quantum sẽ lập tức thay đổi thế giới máy tính, và cách nghiên cứu vũ trụ của các nhà vật lý.
 
Tham khảo BusinessInsider