Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Câu chuyện về chiếc áo quen thuộc của Steve Jobs

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở Steve Jobs là chiếc áo "cổ rùa" màu đen ông thường mặc.
Có vẻ như tầm nhìn của Steve Jobs không chỉ thể hiện trong những sản phẩm của Apple mà còn cả ở thời trang. Nhà thiết kế Ralph Rucci cho biết quần jean 501 và áo cổ rùa đen mà Steve Jobs thường mặc là 2 trong 3 trang phục gốc của giới thời trang. Và áo cổ rùa theo phong cách của ông cũng đang bán rất chạy sau khi Steve Jobs qua đời tuần trước. 

Nhưng lý do tại sao mà Steve Jobs lại luôn mặc áo cổ rùa màu đen? Chính ông đã giải thích với nhà viết tiểu sử Walter Isaacson trong 1 cuộc phỏng vấn. Trước khi nổi tiếng như 1 biểu tượng của giới công nghệ thì Steve Jobs bị coi là 1 người lập dị, thậm chí ngay cả trong chính Apple. Khi Steve đưa ra ý tưởng về đồng phục công ty, ông đã bị các nhân viên phản đối. Sau đó chính ông đã chọn 1 đồng phục cá nhân cho mình dựa trên phong cách của nhà thiết kế Issey Miyake. 

Isaacson cho biết câu chuyện mà Steve Jobs đã kể: 

Trong 1 chuyến đi đến Nhật Bản hồi đầu những năm 1980, Jobs hỏi chủ tịch Akio Morita của Sony là tại sao mọi người trong công ty đều mặc đồng phục. Akio Morita đã trả lời là sau cuộc chiến tranh ở Nhật Bản, mọi người không có quần áo mặc và những công ty như Sony phải cung cấp cho nhân viên quần áo để mặc hàng ngày. Sau nhiều năm, những đồng phục ấy làm thành phong cách của riêng họ, đặc biệt là ở những công ty lớn như Sony và đó cũng là 1 cách để nhân viên trong công ty gắn kết hơn với nhau. Steve Jobs cũng muốn Apple có sự gắn kết như vậy. 

Đồng phục của Sony được thiết kế bởi nhà thiết kế nổi tiếng Issey Miyake. Đó là 1 áo khoác dài tay làm từ vải nylon và có thể sử dụng như vest khi mở khóa. Jobs cũng đã liên hệ với Issey Miyake và nhờ ông thiết kế vest cho Apple. Jobs cho biết: “Tôi đã nghĩ ra 1 vài ý tưởng và nói với các nhân viên rằng sẽ rất tuyệt nếu tất cả chúng ta đều mặc mẫu vest này. Nhưng tôi đã bị bẽ mặt. Mọi người đều ghét ý tưởng đó”. 

Tuy nhiên cũng từ sự kiện đó Jobs trở thành bạn bè với Miyake. Ông muốn có 1 mẫu đồng phục của riêng mình để thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày cũng như để tạo dấu ấn riêng.  “Tôi rất thích chiếc áo cổ rùa đen của Issey và đề nghị anh ấy làm cho tôi 1 vài chiếc. Nhưng anh ấy đã làm cho tôi khoảng 1 trăm mẫu”, Jobs nói và chỉ cho Isaacson tủ quần áo của mình, “Đó là những gì mà tôi mặc. Tôi có đủ áo cổ rùa cho cả quãng đời còn lại”. 

Tham khảo Gawker

Kéo dài hoạt động của B-52 thêm 30 năm

Máy bay ném bom chiến lược B-52 sắp được đưa vào một chương trình nâng cấp lớn để giúp nó có thể tiếp tục hoạt động thêm hơn 30 năm nữa.


Hơn 60 năm kể từ khi mẫu B-52 đầu tiên đưa vào sử dụng, loại máy bay này trở thành "xương sống" trong các cuộc chiến tranh quy ước, là một trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ.

Không quân Mỹ dự tính, khi đã được trang bị công nghệ mới, vai trò của B-52 sẽ được duy trì đến năm 2044.

Chuyến bay đầu tiên của B-52 thực hiện vào năm 1952. Ban đầu nó được chế tạo để mang vũ khí hạt nhân với tầm bay lên tới gần 13.000 km. Sau đó, nó được sử dụng trong các nhiệm vụ ném bom rải thảm trong chiến tranh Việt Nam, vùng Vịnh.

Đặc biệt trong Chiến tranh vùng Vịnh 1991, một chiếc B-52 đã bay từ căn cứ không quân Barksdale (miền Nam nước Mỹ)  tới Baghdad để ném bom. Đây là phi vụ xuất kích dài nhất trong lịch sử tính vào thời điểm đó.
Máy bay ném bom chiến lược B-52
Tháng 9/2011, thượng nghị sĩ John Hoeven ở North Dakota xác nhận, Thượng Viện Mỹ đã phê chuẩn một chương trình nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc cho B-52 trị giá 88 triệu USD. Sau đó, số tiền đã bị giảm xuống chỉ còn 76 triệu USD.

Điều này có nghĩa là B-52 sẽ được trang bị CONECT (hệ thống liên lạc trong chiến đấu) giúp nâng cao khả năng xác định vị trí và liên lạc với các thiết bị khác trong Quân đội Mỹ.

Trong năm 2009, một chiếc B-52 được nâng cấp hệ thống CONECT trong hoạt động được coi là thử nghiệm. Chiếc B-52 đó sau đó đã được đưa tới các căn cứ không quân Edwards để thực hiện các bài kiểm tra. 
Trung Hiếu (theo Armed Forces)