Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Nhật Bản: Chế tạo robot biết suy nghĩ

Robot có thể rút kinh nghiệm và xử lý các vấn đề như con người – nghe giống như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng một nhà khoa học Nhật Bản đang thực hiện các nghiên cứu để tạo ra loại robot có thể tự rút ra các bài học thông qua kinh nghiệm chứ không phải được lập trình sẵn, để “xự sự” đối với các đối tượng mà bản thân chúng chưa từng tiếp xúc trước đó.

Trong những bước đầu tiên, Osamu Hasegawa, phó giáo sư tại Viện công nghệ Tokyo đã phát triển một hệ thống cho phép robot có khả năng quan sát môi trường xung quanh và thực hiện nghiên cứu trên Internet, cho phép chúng “nghĩ ra” cách tốt nhất để giải quyết một vấn đề.

“Hầu hết các robot hiện tại đều có thể phân tích và thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được lập trình sẵn, nhưng chúng “biết” rất ít về thế giới “thực” của con người,” Osamu Hasegawa cho biết. “Vì vậy, dự án của chúng tôi là một nỗ lực để xây dựng cầu nối giữa robot và thế giới thực”.

Thử nghiệm yêu cầu robot đổ nước vào cốc

Nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ hệ thần kinh tự sao chép được gọi là Mạng tăng cường thần kinh tự tổ chức, hoặc “SOINN”, cho phép robot sử dụng kiến thức của mình - những gì đã biết - để suy ra làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ được yêu cầu. SOINN khảo sát môi trường để thu thập các dữ liệu cần thiết nhằm tổ chức các thông tin đã đưa ra vào một tập hợp chặt chẽ các hướng dẫn.

Để thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã chứng minh công nghệ bằng cách yêu cầu robot rót nước vào cốc. Đối với robot thông thường không được cài đặt chương trình “phục vụ nước”, nó sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ này. Nhưng con robot này đã thực hiện thật nhanh chóng và khéo léo. Phần này không có gì là mới cả, chỉ đơn giản là robot làm theo những chỉ dẫn từ trước.

Tuy nhiên trong phần tiếp theo, robot được yêu cầu làm lạnh ly nước trong khi đang thực hiện dở những chỉ dẫn trước đó. Lần này, robot đã ngừng lại để phân vân xem nên làm thế nào để hoàn thành yêu cầu mới. Nó gần như ngay lập tức nhận ra rằng yêu cầu mới không thể thực hiện được trong điều kiện hiện tại vì cả hai tay của nó đang được sử dụng (một để cầm cốc, một để cầm bình), do đó nó đặt bình xuống và với lấy khay đá để kịp thời đổ vào cốc.

Sự kiểm chứng cho thấy một bước nhảy vọt trong kĩ thuật robot và lập trình. Có khả năng học hỏi có nghĩa là robot có thể chỉ được lập trình với một vài kiến thức căn bản rồi sau đó được bồi đắp đến khi nào robot còn tồn tại mà không cần phải lập trình thêm, tương tự con người khởi đầu với rất ít thông tin khi sinh ra và kiến thức đó được bổ sung và có thể được dùng trong suốt cuộc đời.

Hasegawa và nhóm nghiên cứu đang cố gắng hợp nhất những khả năng và tạo ra một robot có thể thực hiện một nhiệm vụ nhất định thông qua nghiên cứu trực tuyến nhờ bộ não của nó có thể kết nối trực tiếp với Internet, giúp robot có thể học hỏi từ kinh nghiệm từ những người khác cũng như trên toàn thế giới.

Thử nghiệm yêu cầu robot cho đá vào cốc

“Trong tương lai, chúng tôi tin rằng có thể tạo ra robot mặc dù sống tại Anh nhưng có thể pha trà theo kiểu Nhật nhờ những thông tin về trà đạo Nhật được cung cấp trên Internet”, Hasegawa nói.

Giống như con người, hệ thống của robot cũng có thể lọc ra “tiếng ồn” hoặc thông tin không quan trọng. Quá trình này tương tự như khi một người trò chuyện với một bạn đồng hành trên một chuyến tàu và bỏ qua câu chuyện của những người xung quanh, Hasegawa cho biết.

Hasegawa hy vọng một ngày nào đó SOINN có thể được đưa vào sử dụng trong thực tế, ví dụ như điều khiển đèn giao thông để giảm bớt ùn tắc giao thông bằng cách phân tích dữ liệu từ các hệ thống camera và báo cáo về tai nạn.

Ngoài ra, robot thông minh cũng có thể trở thành một người giúp việc tuyệt vời cho các hộ gia đình bận rộn. “Chúng ta có thể yêu cầu robot mang lại cho nước sốt đậu nành đến bàn ăn. Nó có thể tra cứu trên Internet để tìm hiểu nước sốt là gì và tìm trong nhà bếp", Hasegawa cho biết.

Tuy nhiên, giáo sư cũng cảnh báo phải cẩn thận vì robot có thể học mọi thứ từ con người đến một ngày chống lại chúng ta giống như trong bộ phim A Space Odyssey. “Điều này giống như một con dao làm  bếp là một vật hữu ích nhưng cũng có thể trở thành một vũ khí nguy hiểm,” ông cho biết.

“Chúng tôi mong muốn mọi người biết rằng chúng tôi đã có loại công nghệ tiên tiến này. Chúng tôi hy vọng rằng nhiều người sẽ thảo luận về công nghệ này khi nó vẫn còn trong giai đoạn trứng nước, về việc nên sử dụng như thế nào, khi nào sử dụng và khi nào không nên sử dụng nó.”


Lệ Diễm (Theo Livescience)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét