Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Những điều học được khi làm việc chung với Steve Jobs

Chính quyền ở Bang California vừa chọn ngày 16 tháng 10 là ngày của huyền thoại công nghệ Steve Jobs.
 
Sachin Agarwal, người sáng lập ra dịch vụ blogging Posterous.com đã từng là kỹ sư của Apple và làm việc dưới trướng Steve Jobs. Cũng như nhiều nhân viên khác, anh đã học hỏi được rất nhiều điều từ người dẫn đường vĩ đại này.
 
Anh chia sẻ những gì mắt thấy tai nghe tại Apple, và nhấn mạnh rằng công việc ở đây hoạt động chủ yếu dưới sự điều khiển của các kỹ sư chứ không phải người quản lý:
 
1. Một công ty công nghệ phải phụ thuộc vào các kỹ sư, không phải các nhà quản lý
 
 
Agarwal kể rằng tại Apple, các kỹ sư mới là người đưa ra quyết định –“Họ không quá chú trọng vào vấn đề quản lý. Hầu hết các nhóm làm việc đều rất nhỏ và chịu sự chỉ huy của các kỹ sư.”
 
Anh cũng cho rằng đa số các quản lý cũng đều là kỹ sư. Điều này có nghĩa là người giám sát dự án có hiểu biết rõ ràng về công nghệ, đây là yếu tố cần thiết của một dự án và giúp nhóm làm việc liên kết chặt chẽ hơn.
 
2. Tạo dựng quan hệ tốt giữa quản lý và nhân viên
 
 
Bởi vì đa số người quản lý đều đã từng là một kỹ sư, vì vậy khoảng cách giữa họ và các nhân viên là không nhiều. Tại Apple, các nhân viên và quản lý luôn có mối quan hệ tốt và tôn trọng lẫn nhau. Agarwal kể rằng –“Quản lý của tôi thời đó là kỹ sư của Apple trong 10 năm liền trước khi nhận chức mới, điều này khiến tôi nỗ lực hơn để gây ấn tượng với ông ấy.”
 
Chính mối quan hệ giữa mọi người trong công ty, các nhóm dự án làm việc chặt chẽ là những miếng ghép cho sự thành công của Apple.
 
3. Cho phép nhân viên được tự do sở hữu và cải tiến sản phẩm
 
 
Tại Apple, nếu một nhân viên đang sử dụng thiết bị của hãng và tìm thấy một vấn đề nào đó, anh ta có thể tự sửa lại mà không cần sự cho phép của người quản lý.
 
Tất cả các dự án đều nhắm tới mục tiêu nhất định, nhưng những đặc điểm tốt nhất của sản phẩm thì lại được các nhân viên tự mình tìm ra.
 
4. Thử thách các nhân viên để giúp họ phát triển tốt hơn
 
 
Ban quản lý luôn thử thách Agarwal bằng cách giao cho anh những công việc đôi khi hơi quá sức, theo Agarwal –“Nhưng dần dần tôi cũng học hỏi được nhiều điều và tiến bộ hơn.”
 
Chỉ sau 6 tháng bắt đầu làm việc, Agarwal lần điều tiên được giao quản lý một dự án. Apple rất giỏi trong việc thúc đẩy sự phát triển của các nhân viên, trao cho họ những kỹ năng để giúp họ dần dần thăng tiến.
 
5. Deadline là tối quan trọng
 
 
Apple đòi hỏi công việc bắt buộc phải hoàn thành đúng dự kiến, và chưa từng có chuyện chậm trễ tại công ty này. Agarwal kể rằng –“Về chất lượng của sản phẩm, một trong những điều tôi học được là không được tạo ra sản phẩm không đáp ứng được ‘tiêu chuẩn Apple’, thậm chí nếu không thể hoàn thành đúng dự kiến thì bạn phải hy sinh một vài tính năng. Điều này nhằm tránh việc cứ miệt mài phát triển sản phẩm nhưng chẳng bao giờ hoàn thành. Deadline là điều tối quan trọng, rồi sau đó mới tính chuyện bổ sung hoặc sửa chữa.”
 
6. Không cần quan tâm tới tính năng sản phẩm của hãng khác
 
 
Theo Agarwal –“Apple chỉ tập trung phát triển sản phẩm của chính mình, hơn là việc so sánh tính năng với các hãng khác và cố gắng vượt qua họ. Điều này chỉ khiến cho Apple đứng ngang hàng với các hãng đó mà thôi.”
 
Đây cũng là tiêu chí làm việc của Apple. Các nhân viên tại đây không mấy quan tâm tới những nước đi của đối thủ. Họ chỉ cố gắng cải tiến và cho ra những sản phẩm có chất lượng vượt trên tất cả.
 
7. Thuê nhân viên có đam mê đối với chính sản phẩm của Apple
 
 
Agarwal kể rằng –“Những người làm việc tại Apple điều rất muốn là một phần của công ty. Cá nhân tôi là một fanboy của Apple, tôi sẵn sàng làm việc chăm chỉ gấp đôi bởi tôi cực kỳ yêu quý nơi này.”
 
Động lực làm việc chính là yếu tố quan trọng trong việc tuyển người, ban quản lý chỉ tìm kiếm những ai thực sự có niềm đam mê với công ty, các sản phẩm và công việc tại Apple.
 
Agarwal cũng áp dụng điều này để áp dụng với Posterous, trang web chính anh sáng lập ra –“Mọi nhân viên của chúng tôi điều yêu thích công ty và muốn làm việc tại đây.”
 
8. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là rất quan trọng
 

Agarwal kể rằng Apple luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng công việc và cuộc sống –“Bạn sẽ phải làm việc chăm chỉ, nhưng công ty cũng sẽ để bạn có được thời gian giải trí cho riêng mình.”
 
Từ việc chăm sóc sức khỏe rất chu đáo tới các kỳ nghỉ như Giáng Sinh hay Lễ Tạ Ơn, Agarwal nói rằng –“Apple có tiêu chí rất rõ ràng: Chúng tôi yêu công việc tại đây, chúng tôi làm việc chăm chỉ, và khi công việc hoàn thành thì mọi người được thoải mái tận hưởng cuộc sống của mình.”
 
9. Dẫu đã trở thành công ty lớn, cần phải giữ vững những nét truyền thống
 
 
Từ việc có rất ít công việc bàn giấy trong các dự án, các hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào kỹ sư, cân bằng công việc và cuộc sống… Apple cho dù trở thành một hãng khổng lồ nhưng vẫn giữ vững những nét truyền thống tốt đẹp của công ty từ ngày thành lập cho tới nay. Chính điều này đã giúp Apple thành công và là một nơi làm việc đáng mơ ước.
 
Tham khảo BusinessInsider

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét