Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Windows Mobile kết thúc một thập kỷ có mặt ở Việt Nam

Samsung và Sony Ericsson vừa dừng bán các mẫu máy sử dụng hệ điều hành Windows Mobile cuối cùng, chấm dứt quãng thời gian gần 10 năm dòng sản phẩm này hiện diện tại Việt Nam.
Ba chiếc smartphone cuối cùng chạy Windows Mobile tại Việt Nam là Samsung Omnia Pro B7320, B7330 và Sony Ericsson Xperia X2 đã dừng bán cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm nay. Cùng với Palm, hay Symbian UIQ của Sony Ericsson, nền tảng của Microsoft có thời từng "làm mưa, làm gió" trong giới chơi di động chính thức lui vào dĩ vãng.
O2 Exec, chiếc PDA phone đỉnh cao trong thời gian Windows Mobile còn thịnh ở Việt Nam. Ảnh: Fony.
O2 Exec, chiếc PDA phone đỉnh cao trong thời gian Windows Mobile còn thịnh ở Việt Nam. Ảnh: Fony.
Những chiếc Windows Mobile đầu tiên có mặt tại Việt Nam từ năm 2001 và được nhiều người biết hơn vào 2002. Khoảng thời gian thịnh nhất của nền tảng này là những năm từ 2004 đến 2006. Bắt đầu từ những chiếc PDA không phone nhãn hiệu iPAQ của HP đến các dòng có chức năng điện thoại của O2, iMate, Qtek... đã chiếm lĩnh phân khúc di động cao cấp. "Thời bấy giờ, thương hiệu O2 phổ biến đến nỗi mỗi khi nhắc tới điện thoại cảm ứng là người ta nghĩ tới O2", anh Hải Long, (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một người gắn bó nhiều năm với hệ điều hành này trước khi chuyển sang dùng iPhone cho biết.
Cũng dùng Windows Mobile và có nhiều phần mềm được chú ý như bộ gõ tiếng Việt, Từ điển, Quay số thông minh... anh Hữu Quỳnh, admin diễn đàn Handheld VN cho biết, việc sử dụng giao diện giống với Windows trên máy tính, phần mềm đa dạng và hỗ trợ tốt ngôn ngữ tiếng Việt là những lý do để nền tảng này được yêu thích trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, là một người lập trình viên, anh Quỳnh cho rằng, với màn hình cảm ứng thân thiện, Microsoft lại sử dụng chip ARM cho phần cứng mạnh mẽ và công cụ phát triển tốt, nền tảng này nhanh chóng chiếm vị trí số một trước thời kỳ iPhone ra đời.
Khoảng thời gian đầu những năm 2000, tại Việt Nam hầu như chỉ có Palm là đối thủ của nền tảng này. Tuy nhiên, sự khan hiếm về thiết bị và hỗ trợ tiếng Việt hạn chế làm cho Palm chỉ có một lượng người dùng nhỏ. Những năm 2006 trở về trước, các cuộc offline của dân chơi Windows Mobile diễn ra thường xuyên, thu hút người dùng khắp trong Nam ra ngoài Bắc từ giới văn phòng, doanh nhân đến sinh viên...
Sự xuất hiện của iPhone, sau này là Android trong bối cảnh Microsoft chậm đổi mới, đã làm cho Windows Mobile tụt hậu dần so với các đối thủ và giã biệt người dùng vào năm ngoái. Theo anh Hữu Quỳnh, nền tảng cho di động không phải là hệ điều hành mang lại tiền cho Microsoft như Windows hay Office, các hãng phần cứng cũng chịu nhiều ràng buộc với hãng, đây là một trong những lý do quan trọng làm Windows Mobile thất thế.
HTC HD2 và HD Mini, những mẫu smartphone cuối cùng chạy Windows Mobile của HTC. Ảnh: Quốc Huy.
HTC HD2 và HD Mini, những mẫu smartphone cuối cùng chạy Windows Mobile của HTC. Ảnh: Quốc Huy.
Gắn bó với Windows Mobile từ những ngày đầu, anh Minh Định (Tân Bình, TP HCM) nhận xét, Microsoft quá chậm trong khi các đối thủ của họ tăng tốc mạnh trên phân khúc này. "Windows Mobile là một nền tảng tốt, đặc biệt cho văn phòng, nhưng iPhone với một giao diện đơn giản, trong khi Android lại cởi mở hơn nhanh chóng thu hút người dùng. Các nâng cấp từ bản 2003 lên 2005 hay Windows Mobile 6 tới 6.5 là không có nhiều khác biệt", anh Định nói.
Từ 2007 tới 2009, HTC, Samsung hay LG vẫn tiếp tục trình làng các thiết bị dùng Windows Mobile mới, tuy nhiên sức hút của nền tảng này ngày càng giảm. HTC HD2 ra mắt 2009 là thiết bị đáng chú ý nhất trong giai đoạn cuối của Windows Mobile, tuy nhiên sản phẩm này lại được nhiều người dùng mua về để cài Android.
Trước những thay đổi của các đối thủ, năm ngoái, Microsoft đã trình làng Windows Phone 7, hệ điều hành với thay đổi hoàn toàn và hầu như không thừa kế ứng dụng nào từ Windows Mobile. Những thiết bị về Việt Nam khoảng một năm trở lại đây như HTC HD2, Mozart, LG Optimus 7 hay Samsung Omnia 7 nhận được sự đón nhận hời hợt của người dùng. Giá sản phẩm sau đó nhanh chóng giảm mạnh. Nhận xét về nền tảng mới, anh Hữu Quỳnh cho biết: "Vẫn còn nhiều khiếm khuyết từ hệ điều hành mới như không hỗ trợ tiếng Việt, công cụ phát triển yếu và không có tính thừa kế từ Windows Mobile". Theo nhiều người dùng, hệ điều hành mới khó lấy lại thời huy hoàng của nền tảng cũ khi mà Android, iPhone đang được xem là chuẩn mực của smartphone hiện đại.
Quốc Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét